Thời gian qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, yêu thương, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển, trong đó có vai trò và những đóng góp quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi có diện tích đất tự nhiên 4.859,4 km2, dân số có 313.905 người (theo số liệu điều tra dân số ngày 01/4/2019),trong đó: có276.284 (tỉ lệ 88,02%) người dân tộc thiểu sốcùng sinh sống tạo thành một cộng đồng đoàn kết, thống nhất; các dân tộc có số người đông theo thứ tự là Tày, Dao, Nùng, Mông, Sán Chay, Hoa. Với cơ cấu dân tộc thiểu số chiếm đa số, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng biệt, gìn giữ phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp riêng của từng dân tộc,song có sự đan xen bản sắc văn hóa của các dân tộc tạo nên tính đa dạng, phong phú của văn hóa địa phương. Cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau trong đời sống, sản xuất, phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, luôn phấn đấu tự vươn lên để hoàn thiện mình và tạo dựng những giá trị văn hoá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp đã thực hiện tốt chủ trương phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình, gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc phát huy vai trò của người có uy tín đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm, triển khai thực hiện, như: Thực hiện tốt Quyết định số 12/2018/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 25/9/2009 của UBND tỉnh về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 29/3/2021của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 303/KH-UBND ngày 04/6/2020 tiếp tục thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới…Hiện nay, toàn tỉnh có 1.305 người có uy tín/1.310 thôn với thành phần rất đa dạng gồm: cán bộ nghỉ hưu, chức sắc, trưởng thôn, Bí thư chi bộ... với hơn 63% người có uy tín là đảng viên và đa số người có uy tín có trình độ hoặc hiểu biết về lĩnh vực cụ thể, gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của địa phương.
Hàng năm, vào những ngày lễ, tết, nhất là dịp lễ hội truyền thống của từng dân tộc, cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt nam các cấp đều đến thăm hỏi, động viên, tặng quà đối với những người có uy tín. Các vị được cung cấp thông tin thông qua các hội nghị tập huấn, qua gặp gỡ, tiếp xúc giao lưu; khen thưởng, tuyên dương kịp thời khi đạt thành tích; được tạo điều kiện đi giao lưu, học tập, học hỏi nâng cao kiến thức; thăm, gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo tỉnh...
Trong 05 năm qua(từ 2017 - 6/2021), MTTQ các cấp đã phối hợp thực hiện thăm hỏi 697 lượt người có uy tín ốm nằm điều trị tại bệnh viện, thăm viếng 150 người uy tín và thân nhân người có uy tín qua đời; thực hiện thăm hỏi, hỗ trợ 95 gia đình người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả thiên tai đảm bảo kịp thời... Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ngành liên quan tổ chức đón tiếp 13 đoàn với 629 người có uy tín thuộc các huyện đến gặp mặt lãnh đạo tỉnh và đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế xã hội, mô hình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh; tổ chức 04 đợt gặp mặt với hơn 120 đại biểu người có uy tín tiêu biểu và đi tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh…
Thực tế cho thấy, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện chính sách dân tộc, tích cực trong việc tham gia củng cố hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, người có uy tín đã vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các tổ chức chính trị- xã hội; làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể để nắm tình hình trong nhân dân ở khu dân cư, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đã có nhiều gương người có uy tín tiêu biểu qua các phong trào thi đua, điển hìnhnhư: ông Lý Văn Hầư - người có uy tín thôn Nà Phạ, xã Đồng Phúc (Ba Bể); bà Lương Thị Biến- người có uy tín thôn Nà Mỏ, xã Kim Hỷ (Na Rì); ông Lý Văn Mình- người có uy tín thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh (Pác Nặm); ông Dương Văn Hầư - người có uy tín thôn Pù Lùng II, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn); ông Đinh Như Tuấn - người có uy tín thôn Choóc Vẻn, xã Vũ Muộn (Bạch Thông); ông Vũ Sơn Hà - người có uy tín thôn Khuân Bang, xã Như Cố (Chợ Mới); ông Ma Trung Diện, người có uy tín, Bí thư chi bộ thôn Bản Liên, xã Yên Thượng (Chợ Đồn)... Với những đóng góp của người có uy tín(từ năm 2017 đến năm 2020), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho 106 người có uy tín; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tặng Giấy khen cho 665 người có uy tín đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua.
 |
|
Ông Ma Trung Diện, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Bí thư Chi bộ thôn Bản Liên. |
|
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn có một số ít người có uy tín là các cá nhân tiêu biểu còn e ngại nên chưa phát huy tốt vai trò trong việc nắm bắt, tình hình dư luận các tầng lớp nhân dân; một số người có uy tín chưa tham gia đầy đủ các hội nghị, hội họp do địa bàn đi lại khó khăn...
Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cần thực nhiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đối với người có uy tín. Nội dung bồi dưỡng phải thiết thực, phù hợp với yêu cầu trình độ đối với từng đối tượng người uy tín. Coi trọng bồi dưỡng cả về lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản gắn với nội dung bồi dưỡng năng lực hoạt động thực tiễn và phương pháp vận động, tuyên truyền cho cá nhân tiêu biểu ở từng cấp. Phương thức bồi dưỡng đa dạng, thích hợp với từng nhóm người có uy tín trong từng dân tộc và từng cấp.
Thứ hai, cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết về tổ chức và hoạt động cho người có uy tín, như: báo cáo hàng thắng, hàng quý, 6 tháng, 1 năm. Các chủ trương, chính sách, các kế hoạch triển khai nhiệm vụ chính trị, các phong trào, các cuộc vận động và kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, các đề cương truyên truyền… để người uy tín cập nhật thông tin hoạt động, có những tư vấn, hiến kế hiệu quả.
Thứ ba, cần lựa chọn người uy tín tham gia các Tổ tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để họ có cơ hội đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, tham gia giám sát, phản biện xã hội và những vấn đề quan trọng khác. Vận động một số người uy tín làm tuyên truyền viên, báo cáo viên trong các đợt sinh hoạt chính trị ở cơ sở, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam. Định kỳ tổ chức các cuộc họp mặt để trao đổi, thảo luận, đề xuất các sáng kiến, kiến nghị về các vấn đề quan trọng của tỉnh và cơ sở.
Thứ tư, cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp cùng cán bộ chuyên trách tăng cường các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc riêng với từng người có uy tín. Giữ mối liên hệ thân tình, tôn trọng và cởi mở thường xuyên; động viên biểu dương, khen thưởng kịp thời người có uy tín có thành tích xuất sắc, nhất là người có uy tín có đóng góp tích cực trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.