Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới

Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, chiều 19/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, đại biểu tham dự Đại hội đã chia tổ thảo luận về 5 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.

                                                            Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tham dự Tổ thảo luận

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Trung tâm thảo luận số 5 với chủ đề: Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

                                                            GS-TS Trần Đông A phát biểu tại tổ thảo luận

Tại tổ thảo luận số 5, GS-TS Trần Đông A đề nghị công tác mặt trận phải tập trung vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo, lắng nghe ý kiến của nhân dân. “Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cần tổ chức thành nề nếp việc lắng nghe ý kiến của nhân dân định kỳ. Phản ánh trung thực, khách quan ý kiến người dân là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền quản lý minh bạch”, GS-TS Trần Đông A nói.

Ông dẫn ra hàng loạt điển hình của việc chính quyền kịp thời điều chỉnh khi lắng nghe ý kiến nhân dân như việc hủy bỏ kịp thời về quy phạm tiêu chuẩn nước mắm của 2 bộ NN-PTNT và Bộ KHCN vốn gây ra cuộc tranh cãi giữa giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp. Theo ông đó là một cách phản ứng nhanh của nhà nước khi lắng nghe ý kiến người dân.

“Trước những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, nhất là trước khi ban hành thành các chủ trương chính sách, nếu mặt trận sớm lắng nghe ý kiến người dân và có sự tiếp thu thì sẽ tạo sự thống nhất giữa Đảng, MTTQ với nhân dân. Đây là sức mạnh của hệ thống”, GS-TS Trần Đông A nêu quan điểm.

Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phát biểu tại tổ thảo luận

Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong cho rằng, Đại hội Mặt trận là thời điểm thích hợp để đưa ra những sáng kiến, những giải pháp sáng tạo trong việc củng cố nền tảng vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính vì vậy trong nhiệm kỳ mới phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận, Mặt trận phải tự chủ hơn, tự nguyện hơn để mang lại hiệu quả và “mở đường” cho dân chủ hơn nữa.

“Hãy tập trung vào đối tượng thanh niên để tạo nên sinh lực mới, sức sống mới, phải dùng sức mạnh của tuổi trẻ cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Hãy coi hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức, hội nhập phải dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền. Để làm được điều này, Mặt trận cần tạo nội lực sức mạnh cho nước nhà nước tập trung vào giao lưu, trao đổi văn hóa và tập trung đầu tư cho thanh niên. Phải làm sao để hoạt động mặt trận tự chủ, tự nguyện hơn, để dân tin và tìm tới mặt trận nhiều hơn, giúp mở đường cho dân chủ hơn”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

                                 PGS-TS Nguyễn Ngọc Đào, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam phát biểu tại Tổ thảo luận

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đào, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Mặt trận đại diện cho nhân dân, thực hiện mục tiêu chính trị Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tuy nhiên nhân dân luôn trăn trở Mặt trận làm gì, làm như thế nào để thực sự đại diện cho nhân dân, nhất là ở cấp xã. “Cần quan tâm hơn nữa tới năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận tại cơ sở, cần khẳng định vị trí pháp lý của cán bộ mặt trận tại cơ sở để có thể đại diện người dân xử lý những vấn đề phát sinh với chính quyền, chỉ có như thế, mặt trận mới đại diện, phát  huy được quyền lực của nhân dân. MTTQ phải phát huy quyền lập hiến, lập pháp của nhân dân, phải thể hiện được vai trò làm chủ thực sự của nhân dân”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đào nói.

 

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Thái Nguyên kiến nghị, cần trao cho Mặt trận quyền được bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ.

“Mọi năng lực của cán bộ và nhân dân đều biết nhưng hiện nay, chính vì vậy đề nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị trao quyền cho Mặt trận được quyền tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với cán bộ từ làng bản đến chức vụ cao nhất, thông qua đó để cấp ủy Đảng có đánh giá chính xác hơn với cán bộ”, ông Nguyễn Văn Thời đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, đó là cách để người dân được làm chủ thông qua lá phiếu đánh giá tín nhiệm cán bộ, qua đó xây dựng nhà nước của dân do dân vì dân….. “Mọi diễn biến ở khu dân cư nhân dân  đều biết, mặt trận biết, chính vì vậy, phải trao quyền đánh giá tín nhiệm cán bộ cho nhân dân”, ông Thời nhấn mạnh.

                    Bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại tổ thảo luận

Bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đồng quan điểm, rất nhiều Chủ tịch HĐND, UBND thấy e ngại trước vấn đề bỏ phiếu tại cơ sở, nếu người lãnh đạo không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân sẽ bị loại, do đó vai trò của mặt trận giám sát cán bộ nên được đề cao.

“Cần quan tâm hơn nữa tới năng lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận tại cơ sở, cần khẳng định vị trí pháp lý của cán bộ Mặt trận tại cơ sở để cán bộ được xử lý những vấn đề phát sinh trong chính quyền, đại diện, phát  huy quyền lực của nhân dân”, bà Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.

                                              Bà Linh Nga Linh Nga Niek Đam (Đắk Lắk) phát biểu tại tổ thảo luận

Bà Linh Nga Linh Nga Niek Đam (Đắk Lắk) - một đại biểu dân tộc Ê Đê rất trăn trở về đời sống còn quá nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Bà đề nghị nhiệm kỳ này Mặt trận hãy làm điều gì đó cho bà con dân tộc thiểu số, phải tham mưu được chính sách để giải quyết phần nào khó khăn cho bà con, mặt trận hãy làm chỗ dựa tin cậy cho bà con. ĐB cũng đề xuất xây dựng nông thôn mới phải đi liền với bảo vệ bản sắc văn hóa của các dân tộc. “Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn, nhưng văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Đơn cử ở nhiều vùng Tây Nguyên, nhiều nhà văn hóa được xây dựng lớn nhưng bà con không vào, mà chỉ vào nhà rông, nhà dài, vì đó chính là không gian văn hóa truyền thống của họ”, ĐB khẩn thiết đề nghị mặt trận vào cuộc giám sát để xây dựng nông thôn mới phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

                             Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu tại tổ thảo luận

Cũng trong chiều nay, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 1 với chủ đề: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Trung tâm thảo luận số 2 với chủ đề: Vận động Nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Trung tâm thảo luận số 3 với chủ đề: Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Trung tâm thảo luận số 4 với chủ đề: Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân.


Tác giả:  Cổng thông tin điện tử
Nguồn:  MTTW