Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tư tưởng Hồ Chí Minh với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Cuộc vận động  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” kế tiếp cuộc vận động “Toàn dân Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; qua các tài liệu văn bản được biết người khởi xướng cuộc vận động chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách mạng tháng 8 vừa thành công, ngày 4 tháng 3 năm 1946, tức là chưa đầy 3 tháng sau ngày tổng tuyển cử bầu ra Quộc hội và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh 44 về “ Đời sống mới”.

Gần 1 năm sau ngày ban hành sắc lệnh trên, Người cho xuất bản tác phẩm “Đời sống mới” trong đó Bác xác định rõ “Làm thế nào cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của “Đời sống mới”. Người cũng nhấn mạnh “Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đời sống mới thì dân tộc ta sẽ phú cường”. Theo Người, cuộc vận động là việc làm của toàn dân nên thành viên Ban vận động chủ yếu phải là đại biểu của các đảng phái, các đoàn thể. Vì vậy, Người cử các vị trong Mặt trận Việt Minh tham gia vào Ban Trung ương vận động đời sống mới, gồm bà : Đoàn Tâm Đan, các ông Vũ Quang Oanh, Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Đức Dục, Phạm Biểu Tâm.

Kế thừa và phát huy cuộc vận động “ Đời sống mới” trong điều kiện mới, để chuẩn bị kỉ niệm 35 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, năm 1979 Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ( khóa IV) quyết định thành lập Ban chỉ đạo nếp sống mới Trung ương và thành phần rộng rãi bao gồm những vị đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo 1 số bộ, ban , ngành do đồng chí Xuân Thủy, Bí thư TW Đảng phụ trách, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng ban vận động; giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa làm phó trưởng ban thường trực.

Qua sơ kết ba năm chỉ đạo cuộc vận động, nhân dịp chuẩn bị Đại hội lần thứ II MTTQ Việt Nam, ngày 18 tháng 4 năm 1983 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 17 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Chỉ thị nêu rõ “Các cấp ủy Đảng cần lãnh đạo Ủy ban Mặt trận hướng công tác vào cơ sở xã, phường nhằm đẩy mạnh các phong trào cách mạng của quần chúng từ cơ sở và tạo ra cuộc sống mới ở khu dân cư bằng những hình thức và phương pháp sinh hoạt thích hợp với đặc điểm và điều kiện từng nơi. Đây chính là cơ sở để từng bước hình thành và hoàn thiện cuộc vận động “ Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới” tiếp đến là “ Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”,  “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và hiện nay là Cuộc vận động ”Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

 Sở dĩ Chỉ thị lúc đó nhấn mạnh phải hướng về cơ sở xã, phường và đặc biệt là địa bàn dân cư để tạo ra cuộc sống mới vì thực tiễn cho thấy: đây là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước, nơi thường xuyên diễn ra những hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân.

Có thể khẳng định: cuộc sống là ở cơ sở, cách mạng cũng bắt nguồn từ cơ sở; nhân dân đoàn kết làm chủ trước nhất, trực tiếp nhất và cụ thể nhất cũng là ở cơ sở, trên từng khu dân cư. Khu dân cư mà chỉ thị 17 ngày 18 tháng 4 năm 1983 của Ban Bí thư đề cập tới là những địa bàn dưới xã, phường, tức là những đơn vị hợp thành xã, phường như: thôn, ấp, bản, làng , buôn, sóc, đường phố, khu tập thể... đã đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình đổi mới đất nước, vì đây là nơi sinh sống tập trung, nơi diễn ra cuộc sống đời thường của các tầng lớp nhân dân. “Tạo ra cuộc sống mới ở khu dân cư” theo tinh thần của Chỉ thị này là: thông qua các hình thức hoạt động tự quản của nhân dân theo pháp luật mà thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng cơ sở chính quyền vững mạnh theo nguyên tắc: Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quá trình chuyển giao từng bước chức năng quản lý nhà nước cho các tổ chức tự quản của nhân dân. 34 năm đã trôi qua kể từ ngày Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV)  ra chỉ thị nhằm tạo ra cuộc sống mới ở khu dân cư. Với 34 năm đó, cuộc vận động “Cùng nhau tạo ra cuộc sống mới ở khu dân cư” lúc ban đầu mới giới hạn ở các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung và vùng ven đô nay đã phát triển thành phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” rộng hơn với quy mô toàn dân, toàn quốc và với nội dung toàn diện của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” như hiện nay.

 Từ chỗ lúc đầu vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau giải quyết việc làm và đời sống ở khu dân cư, tập trung vào các khâu: tạo việc làm, giải quyết vấn đề ăn ở đi lại, học hành và chữa bệnh, đến nay cuộc vận động đã có 5 nội dung bao quát các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng nhằm thực hiện cho được mục đích ban đầu mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra cho cuộc vận động là “ Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”.

  Thực hiện Hướng dẫn số 38/HD-MTTQ-BTT, ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Pác Nặm đã xây dựng Hướng dẫn số 03/HD-MTTQ-BTT, ngày 07 tháng 03 năm 207 và xây dựng kế hoạch triển khai với những nội dung cụ thể về vai trò, trách nhiệm của các cấp Mặt trận từ huyện đến địa bàn dân cư nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản có liên quan về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm không ngừng củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Xây dựng nội dung, lộ trình thực hiện cụ thể của Cuộc vận động đảm bảo tính thiết thực, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời phát huy dân chủ, vận động nhân dân tham gia giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh. Việc triển khai Cuộc vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, từng giai đoạn có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung nội dung, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể cá nhân điển hình trong thực hiện Cuộc vận động.

        Chặng đường dài của cuộc vận động toàn dân đoàn kết chúng ta đang học tập, vận động và làm phong phú thêm tư tưởng Hồ Chí Minh lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân./.

Tác giả:  Hoàng Hùng
Nguồn:  MTTQ Pác Nặm